Chất thải nguy hại sẽ được đưa thẳng vào thùng cấp liệu bằng thủ công, khi chất thải nguy hại cho vào đầy thùng cấp liệu, thùng cấp liệu sẽ tự động di chuyển lên cao và đưa vào buồng đốt sơ cấp thông qua phễu nạp. Phễu cấp liệu được thiết kế ở phía bên trên buồng đốt sơ cấp và có cửa nạp đóng, mở tự động bằng thủy lực. Ngoài ra lò đốt còn có hệ thống đốt chất thải nguy hại dạng lỏng, chất thải nguy hại lỏng được bơm từ thung chứa và phun vào buồng đốt sơ cấp dưới dạng phun sương bằng bơm áp lực.

Khi chất thải nguy hại được cấp vào buồng đốt sơ cấp từ trên xuống, tại buồng đốt sơ cấp xảy ra các quá trình như : Sấy khô chất thải, khí hóa chất thải (quá trình nhiệt phân) và quá trình tạo cặn. Giai đoạn cuối mẻ đốt, nhiệt độ buồng đốt nâng tới 950C để đốt cháy cặn cacbon, phần rắn không cháy được tạo thành tro xỉ.

Béc đốt sơ cấp có chức năng duy trì nhiệt độ cháy trong buồng đốt sơ cấp, béc đốt hoạt động theo nguyên lý lập trình (PLC) thông qua đầu dò nhiệt độ trong buồng đốt.

Béc đốt sơ cấp hoạt động khi bước đầu nung nóng lò và khi nhiệt độ buồng đốt thấp hơn 700C, thì béc tự động đẩy vào bằng hệ thống thủy lực và đồng thời phun nhiên liệu (dầu DO), khi nhiệt độ trong buồng đốt đạt nhiệt độ cần thiết thì béc ngừng việc phun dầu và cần thủy lực tự động đưa béc đốt ra ngoài nhằm bảo vệ đầu đốt.

Mặc khác, vị trí lắp đặt béc đốt và hệ thống cấp khí, đảm bảo cho quá trình xáo trộn chất trong quá trình cháy của buồng đốt sơ cấp.

Hỗn hợp khí hóa từ buồng sơ cấp đưa sang buồng đốt thứ cấp chứa các chất cháy (CO, H2; O2 dư; hơi nước….) được đốt cháy tiếp nhờ quá trình cung cấp nhiên liệu từ đầu đốt thứ cấp, nhiệt của chất cháy trong dòng khí hóa và lượng không khí cấp. Nhiệt độ của buồng đốt thứ cấp được duy trì ở nhiệt độ 900 – 1.200C, bởi đầu đốt dầu thứ cấp và khí cấp vào. Khi nhiệt độ của buồng đốt thứ cấp thấp hơn 900C, béc đốt thứ cấp và hệ thống cấp khí tự động cấp vào lò, béc đốt thứ cấp và hệ thống cấp khí hoạt động nguyên lý lập trình tự động (PLC) thông qua đầu dò nhiệt độ trong buồng đốt thứ cấp. Nhờ nhiệt cao và thời gian lưu khí trong buồng đốt thứ cấp đủ lâu (2 giây) đảm bảo quá trình đốt cháy hoàn toàn các chất gây mùi và độc hại như dioxin; furans; PCBs.

Tương tự như ở buồng đốt sơ cấp, béc đốt thứ cấp sau khi đưa vào phun nhiên liệu cho buồng đốt thứ cấp khi đạt nhiệt độ yêu cầu thì béc đốt tự động đưa ra bằng hệ thống thủy lực để đảm bảo an toàn cho béc đốt.
Béc đốt thứ cấp và hệ thống cấp khí được bố trí tạo nên dòng khí chuyển động xoáy rất có lợi cho việc hòa trộn, tiếp xúc của quá trình thiêu đốt và đồng đều nhiệt độ.

Khí thải từ buồng đốt thứ cấp được đưa qua thiết bị trao đổi nhiệt bằng không khí, khí cấp vào từ quạt hướng trục có lưu lượng lớn. Dòng khí thải sau khi qua thiết bị giải nhiệt này có nhiệt độ cao (440C), 1 phần được tận dụng đưa về hệ thống cấp khí (quạt cấp oxy) cấp vào buồng đốt sơ cấp và thứ cấp (nhiệt độ khoảng 80 – 120C), khí cấp này đóng vai trò như 1 nguồn nhiên liệu bổ sung để thực hiện quá trình cháy.

Dòng khí thải sau khi thiết bị giải nhiệt bằng không khí được đưa qua hệ thống xử lý tro, bụi khô bằng cụm Xyclon. Khi khí thải qua thiết bị Xyclon lượng tro, bụi sẽ được tách khoảng 60 – 70%. Phần tro, bụi tách khỏi khí thải được thiết bị tháo tro liên tục ra khỏi Xyclon và được vít tải chuyển đến kho chứa, tro này được thu gom và cố định trong bể đóng kén.

Sau khi tách bụi, khí thải được làm nguội bằng nước (trao đổi nhiệt trực tiếp). Thiết bị trao đổi nhiệt bằng nước có tác dụng làm giảm nhiệt độ và bụi trong khí thải có nhiệt độ cao đến nhiệt độ thấp hơn để giảm thiểu khả năng phá hủy thiết bị và quá trình xử lý phía sau.

Khí thải từ thiết bị làm nguội được đưa vào tháp hấp thụ từ dưới lên, tiếp xúc với dung dịch hấp thụ (NaOH) đi từ trên xuống qua lớp đệm. Tại đây xảy ra các phản ứng trung hòa giữa chất ô nhiễm có tính axít với dung dịch NaOH. Khí thải sau khi qua tháp hấp thụ có nhiệt độ < 100C và nồng độ các chất ô nhiễm đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam (QCVN 30:2010/BTNMT) được quạt hút đưa ra ống khói cao 21m để phát tán ra môi trường. Quạt hút có tác dụng khắc phục trở lục của khí thải trên đường dẫn từ lò đến ống khói, tạo dòng xoáy trong thiết bị tách bụi xyclon và tạo ra áp suất âm ở buồng đốt sơ cấp và thứ cấp tránh tình trạng khói thoát ra khỏi miệng lò trong quá trình thiêu đốt.Dung dịch sau khi tiếp xúc với khí thải có nhiệt độ cao và chứa các chất ô nhiễm được thu gom về bể chứa dung dịch hấp thụ, tại đây thực hiện quá trình lắng tách cặn và bổ sung thêm nước và dung dịch hấp thụ để bơm tuần hoàn để tái sử dụng lại. Việc cấp dung dịch hấp thụ được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua bộ dò độ pH của dung dịch trong bể và điều khiển bơm định lượng cấp dung dịch hấp thụ.